Lúa hè thu ở ĐBSCL: Thắng cả sản lượng và giá thành

Mặc dù tình hình thời tiết gặp nhiều bất lợi và chưa thu hoạch xong nhưng có thể khẳng định vụ lúa hè thu (HT) 2015 ở ĐBSCL là thắng lợi, sản lượng tăng.

 

Năng suất tăng, giá thành hạ, chỉ tiếc đầu ra vẫn bấp bênh, là nhận định chung của các đại biểu tại hội nghị: “Sơ kết sản xuất vụ lúa hè thu 2015, thúc đẩy triển khai sản xuất vụ lúa thu đông 2015 các tỉnh ĐBSCL” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vào sáng qua 9/7. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

 

Diện tích giảm nhưng sản lượng tăng

 

Mặc dù tình hình thời tiết gặp nhiều bất lợi và chưa thu hoạch xong nhưng có thể khẳng định vụ lúa hè thu (HT) 2015 ở ĐBSCL là thắng lợi, sản lượng tăng.

 

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho biết, vụ HT 2015, ĐBSCL gieo sạ được 1.663.658 ha, giảm 4.642 ha, sản lượng ước đạt trên 9 triệu tấn, tăng hơn 143.000 tấn so với HT 2014.

 

Sản lượng tăng là nhờ năng suất thêm 1,01 tạ/ha. Phần lớn diện tích giảm là do các địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác như: thanh long, bắp, mè, rau màu… Trong đó, Long An giảm 2.800 ha, Đồng Tháp 2.800 ha, Cần Thơ 2.519 ha, Trà Vinh 1.687 ha…

 

Về cơ cấu giống trong vụ HT 2015 ở ĐBSCL; nhóm lúa thơm chiếm tỷ lệ 11,8%; nhóm chất lượng cao chiếm 41,7%; đáng lo ngại là nhóm chất lượng trung bình, thấp (IR 50404, OM 576) chiếm tỷ lệ khá cao, 24,7%, trong khi khuyến cáo của ngành nông nghiệp là dưới 10%.

 

Giá thành SX lúa HT 2015 toàn vùng trung bình là 4.099 đ/kg, giảm so với vụ HT 2014 (giá thành kế hoạch là 4.370 đ/kg).

 

Dù thắng lợi về năng suất, giá thành hạ nhưng đầu ra của lúa HT đang rất bấp bênh, giá giảm và thị trường khá ảm đạm. Thị trường xuất khẩu lúa, gạo thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, bị cạnh tranh khốc liệt.

 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm cả nước chỉ xuất được 2,713 triệu tấn gạo, giá trị đạt 1,132 tỷ USD (giá FOB), giá bình quân xuất khẩu đạt 417,19 USD/tấn. So với cùng kỳ, giảm 9,6% về số lượng, giảm 12,7% về giá trị, giá bình quân giảm 14,9 USD/tấn.

 

Lúa thu đông khẳng định hiệu quả

 

Vụ lúa thu đông (TĐ) 2015, toàn vùng có kế hoạch gieo sạ 827.000 ha, tăng 12.256 ha, sản lượng ước đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng trên 125.000 tấn. Sản lượng tăng là nhờ tăng diện tích và năng suất tăng thêm 0,75 tạ/ha so với TĐ 2014.

 

Khung thời vụ xuống giống từ tháng 6 - 9, trong đó tập trung vào tháng 7 và 8. Các giống chủ lực được ngành nông nghiệp khuyến cáo là: OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 2517 và Jasmine 85.

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, từ khi lúa TĐ được cơ cấu thành vụ lúa chính trong cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL, diện tích cũng như sản lượng liên tục tăng qua từng năm. Nếu như năm 2006, diện tích lúa TĐ của vùng chỉ có 338.000 ha, năng suất đạt 3,45 tấn/ha thì đến năm 2014 diện tích đã tăng lên 814.000 ha, năng suất 5,12 tấn/ha.

 

Có nhiều lý do khiến diện tích lúa TĐ ở ĐBSCL tăng mạnh. Trước hết là về mặt thời tiết, lúa TĐ gieo sạ vào mùa mưa nhưng thu hoạch vào lúc có nhiều nắng nên chất lượng lúa, gạo cao hơn vụ HT. Thị trường đầu ra của lúa TĐ cũng tốt hơn, nên SX các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm vì thị trường tiêu thụ lúa chất lượng cao rất hiếm vào cuối vụ TĐ.

 

Theo ông Phạm Văn Dư, kết quả khảo sát ở một số tỉnh, thành có SX lúa TĐ cho thấy, đa số nông dân đều khẳng định giá lúa cao nên có lời nhiều (91% có lời, 1% thua lỗ và 8% hòa vốn), chi phí ít nếu có hệ thống đê bao tốt, có điều kiện cung cấp giống cho vụ lúa ĐX tiếp theo. Chính vì vậy mà có tới 98% số nông dân được phỏng vấn đều trả lời sẽ tiếp tục làm lúa TĐ ở các vụ tiếp theo.

 

Về hiệu quả kinh tế, năng suất lúa TĐ đạt 4,22 tấn/ha (lúa khô), nông dân lời trung bình khoảng 11 triệu đồng/ha. Mức lợi nhuận này rất hấp dẫn với người nông dân, vì nếu không làm lúa vào thời điểm này thì không thể SX loại cây gì để tăng thêm thu nhập.

 

Nhiều đại biểu cho rằng, diện tích lúa TĐ ở ĐBSCL vẫn còn tiềm năng tăng thêm từ các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu, vùng có đê bao, không bị tác động của lũ. Ngoài ra, các tỉnh ven biển có diện tích tôm - lúa rất thuận lợi cho việc SX các giống lúa thơm theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị.

 

Tuy nhiên, SX lúa TĐ cũng gặp một số khó khăn nhất định như: giá công lao động cao, vật tư đầu vào tăng và không ổn định; đặc biệt là những năm lũ về sớm nếu không có đê bao chắc chắn sẽ bị mất mùa.

 

Hơn nữa, nếu xuống giống lúa TĐ chậm, kéo dài sang tháng 9 sẽ ảnh hưởng đến thời vụ lúa đông xuân tiếp theo. Vì vậy, nông dân đề xuất cần xuống giống lúa TĐ đồng loạt theo từng địa phương, từng cánh đồng. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng và gia cố đê bao cho chắc chắn, hỗ trợ thêm chi phí bơm nước chống úng…

 

Những cảnh báo

 

TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam đưa ra một số cảnh báo về tình hình dịch hại, thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng đến SX lúa ở ĐBSCL. Cụ thể vụ HT 2015, toàn vùng có 5.165 ha bị thiệt hại do thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, xì phèn… trong đó có gần 1.000 phải sạ lại.

 

Tình hình dịch bệnh tuy được khống chế nhưng nguy cơ tiềm tàng vẫn cao. Chẳng hạn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) vụ HT ở Nam bộ có 1.313 ha bị nhiễm (tăng gần 700 ha so với cùng kỳ), xuất hiện ở một số tỉnh như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.

 

Kết quả kiểm định Elisa trên rầy nâu cho thấy, có 7/130 mẫu mang mầm bệnh VL-LXL, chiếm tỷ lệ 5,38%, vượt ngưỡng an toàn đề ra là dưới 5%. Tình trạng nông dân lạm dụng phân thuốc, các chất kích thích sinh trưởng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái còn diễn ra khá phổ biến.

 

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang lo ngại, hiện nay có tình trạng nông dân chỉ làm tốt các biện pháp kỹ thuật như IPM, 3 giảm - 3 tăng, công nghệ sinh thái… khi có chương trình dự án hỗ trợ, còn khi đã kết thúc họ lại quay về làm theo thói quen cũ.

 

Về khâu liên kết tiêu thụ lúa, ông Đời cho rằng, các DN xuất khẩu gạo hiện không mặn mà đầu tư vùng nguyên liệu hoặc có thì chỉ tập trung ở một số tỉnh thuận lợi. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch thì lại nhảy vào tranh mua tranh bán, mua giá cao hơn để phá vùng nguyên liệu của đơn vị khác đã bỏ công đầu tư.

 

Ông Đời cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT kiến nghị với Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 580 về hỗ trợ giống cây trồng nhằm giúp các địa phương tái cơ cấu nông nghiệp được thuận lợi hơn.

 

*Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

 

Các tin khác

Giá cả thị trường

 

 BẢN TIN GIÁ GẠO 

Ngày 19/09/2016

 

 

* Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Oryza.com

 

* Tổng hợp: Tổ Quản lý Website - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc 

 

* Số liệu mang tính chất tham khảo. Tổng công ty

Lương thực Miền Bắc không chịu trách nhiệm liên

quan đến việc các tổ chức/ cá nhân trích dẫn, sử

dụng thông tin đăng tải để dùng vào các mục đích

kinh doanh thương mai.

Lượt truy cập: 4922737
Đặt làm trang chủLên đầu trang