QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH 

 

Ngành Lương thực Việt Nam có bề dày truyền thống xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập Nước năm 1945 đến nay. Trong suốt hơn 60 năm qua, tổ chức của Ngành có nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn.

 

Ngành Lương thực Việt Nam có bề dày truyền thống xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập Nước năm 1945 đến nay. Trong suốt hơn 60 năm qua, tổ chức của Ngành có nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn.

 

Có thể tạm coi quá trình hình thành và phát triển của Ngành Lương thực nước ta tính đến hôm nay đã trải qua 5 giai đoạn, gắn với các thời kỳ lịch sử của Đất nước.

 

Giai đoạn thứ nhất (1945-1955)

 

Đây là giai đoạn đầu, từ cái mốc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

 

Vừa mới ra đời, Nhà nước dân chủ non trẻ của chúng ta phải đương đầu với nhiều loại giặc. Bác Hồ kêu gọi diệt giặc ĐÓI, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

 

Có lẽ không phải ngẫu nhiên, Bác đặt ưu tiên việc chống đói lên hàng đầu (cũng như những ngày cuối đời, lúc sinh thời, trong Di chúc để lại, Người vẫn chỉ có một ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có CƠM ăn, áo mặc được học hành).

 

Vậy thì, với nhãn quan chiến lược của Bác lúc đó, mô hình về một tổ chức để lo cái ăn cho dân, đã hình thành. Tuy vậy, trước nạn đói khủng khiếp năm 1945 cướp đi sinh mạng hơn 2,5 triệu người mà sử sách và nhiều hình ảnh lưu lại, Bác đã kêu gọi và nêu gương tiết kiệm bằng tự tay Người mỗi bữa bớt một nắm gạo trước khi nấu cơm bỏ vào “Hũ gạo kháng chiến”, để hình thành phong trào tự nguyện ủng hộ lương thực sâu rộng trong nhân dân.

 

Có thể khép lại giai đoạn này là hình ảnh của hàng vạn lượt dân công vận chuyển lương thực bằng các phương tiện thô sơ để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm hậu phương cho cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn sau; với vai trò không thể thiếu của Sở Kho thóc Trung ương và các chi sở kho thóc địa phương lúc bấy giờ.

 

Giai đoạn thứ hai (1955-1975)

 

Đây là thời kỳ đất nước ta huy động mọi nguồn nhân tài, vật lực của miền Bắc, dù phải gồng mình chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, để đảm nhiệm vai trò của một hậu phương lớn “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

 

Thế hệ hiện nay, dù nhiều người chưa trực tiếp trải qua gian đoạn gian khổ ác liệt, thấm đầy máu và nước mắt của dân tộc nhưng có thể hình dung sự phấn đấu, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong Ngành; qua các phong trào: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”; chắt chiu, thu gom từng cân thóc thuế nông nghiệp, tổ chức xay xát, vận chuyển ra chiến trường, với các phương thức mưu trí, sáng tạo như đóng gói gạo thả trôi theo sông, suối để chống lại các thủ đoạn đánh phá của kẻ thù.

 

Đội ngũ CBCNV ngành lương thực thời kỳ đó không những tận tụy, hy sinh vì nhiệm vụ hậu cần xã hội, mà nhiều người còn trực tiếp tham gia chi viện cho Miền Nam và đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. Máu của các thế hệ cha anh đã tô đẹp thêm truyền thống của Ngành...

 

Giai đoạn thứ ba (1975-1995)

 

Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn về kinh tế của đất nước sau khi giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Ngành lương thực cũng căng sức đối phó, tham mưu, lo toan từ những khâu nhỏ nhất trong quy trình đưa lương thực cung cấp đến người tiêu dùng.

 

Những chính sách nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu lương thực thời kỳ này như “tối thiểu 13, tối đa 17” (kg lương thực/ tháng cho mỗi đầu người từ diện CNVC khối hành chính sự nghiệp đến lao động nặng nhọc) và hàng loạt các quy định phức tạp nhưng cần thiết về chế độ tem, phiếu, sổ gạo, biểu mẫu theo dõi tăng giảm nhân khẩu qua từng kỳ... của ngành lương thực từ TW đến địa phương, cũng chỉ nhằm mục đích tối thượng là lo bữa ăn hàng ngày cho dân.

 

 

Có trải qua những tháng năm này, mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của Ngành và trên nữa, của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thời kỳ đó.

 

Giờ đây, khó có thể hình dung một cách đầy đủ việc lo giải bài toán cân đối lương thực của thời kỳ bao cấp đặt ra với Đảng, Nhà nước ta trong từng tháng, từng tuần khó khăn, nặng nề biết chừng nào. Nhập khẩu hàng chục vạn đến cả triệu tấn lương thực các loại mỗi năm trong khi lạm phát với tốc độ “phi mã”; cân đối giá - lương - tiền thiếu trước, hụt sau... Vậy mà, chúng ta đã cắn răng chịu đựng và vượt qua được, mặc dù phải trả giá để chuyển đổi tư duy kinh tế trong khi vẫn giữ vững ổn định chính trị, giữ vững độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ để từng bước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Giai đoạn thứ tư (1995-2010)

 

Dấu ấn đậm nét nhất của thời kỳ này là sự chuyển mình của Đất nước, từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này, thực tế đã manh nha từ trước đó một số năm, với chủ trương ĐỔI MỚI của Đảng, từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Ngành lương thực cũng vật vã trước nhu cầu "tồn tại hay không tồn tại", trước yêu cầu cung cấp gạo không chỉ một giá duy nhất mà là nhiều giá theo thị trường, theo nhu cầu khách hàng, theo tiêu chuẩn chất lượng gạo v.v... Năm 1995, cùng với việc hợp nhất một số bộ thành Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ đã quyết định thành lập hai Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam. Do đặc thù vị trí địa - chính trị của vùng, miền, với Tổng công ty lương thực miền Bắc, vấn đề đảm bảo và giữ vững an ninh lương thực quốc gia, luôn được chú trọng, quan tâm đặc biệt.

 

Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt được thành lập theo Quyết định số 312/TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Trung ương I và các doanh nghiệp Lương thực thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 1995 phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. Theo các văn bản trên, Tổng công ty có nhiệm vụ quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, nông sản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 

Quá trình hình thành và phát triển của Tổng công ty Lương thực miền Bắc in dấu nhiều thăng trầm, biến động; cũng được đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhiều thế hệ CBCNV - lao động trong Ngành. 20 năm, không phải là thời gian dài trong cuộc đời mỗi người, mỗi tổ chức và lại còn ngắn ngủi so với chiều dài lịch sử dựng Nước và giữ Nước của Dân tộc. Để có được một Tổng công ty Lương thực miền Bắc, với thương hiệu VINAFOOD I như ngày hôm nay, nhiều thế hệ CBCNV-lao động trong đơn vị đã trải qua những thời khắc gian khó, song cũng rất đỗi hào hùng...

 

Kể từ khi thành lập đến nay, Tổng công ty luôn hoạt động ổn định, sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Khi thành lập, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty chưa tới 200 tỷ đồng, trong đó lỗ và công nợ khó đòi gần 100 tỷ đồng. Sau 20 năm Tổng công ty đã bổ sung vốn bằng nguồn lợi nhuận sau thuế, đưa tổng số vốn chủ sở hữu và các quỹ dự phòng tăng hàng chục lần so với thời điểm mới thành lập. Các chỉ tiêu chính về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động... đều có sự tăng trưởng ổn định, vững chắc qua từng năm; tình hình tài chính của Tổng công ty lành mạnh, không có nợ đọng, nợ xấu.

 

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của Tổng công ty không ngừng được cải thiện, việc đầu tư kho tàng, cơ sở xay xát chế biến không chỉ trên địa bàn miền Bắc mà còn vươn đến các tỉnh vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thiết thực tiêu thụ lương thực hàng hóa cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Kế thừa lợi thế về đất đai của Ngành do các thế hệ đi trước giao lại, nhằm tạo thế và lực mới trong xu thế cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Tổng công ty đã đề ra chiến lược đầu tư và đang xúc tiến việc thực hiện để sớm hình thành "chuỗi" phân phối - bán lẻ qua hệ thống các Trung tâm thương mại - Siêu thị - Cửa hàng tiện ích...; trước mắt tập trung vào các tỉnh, thành phố, các địa bàn trọng điểm, khu vực đông dân cư.

 

Nếu như trong quá khứ, Ngành lương thực đã “phủ sóng” hệ thống kho tàng, cửa hàng bán lương thực đến mọi vùng, miền của đất nước, thì thế hệ hiện nay ở Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã kế thừa, phát triển có chọn lọc để nâng hoạt động phân phối - bán lẻ lương thực - thực phẩm lên một vị thế mới.

 

Mục tiêu phấn đấu từ có “cơm ăn - áo mặc” đến “ăn no - mặc ấm” và cao hơn “ăn ngon - mặc đẹp” là một tất yếu khách quan mà các thế hệ CBCNV-lao động trong các tổ chức lương thực đã xác định, đã và đang thực hiện, đảm bảo các tiêu chí an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại và dịch vụ...

 

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng, Chính phủ; nhiều năm qua Tổng công ty lương thực miền Bắc đã có những đóng góp thiết thực vào các chính sách an sinh xã hội, qua các công trình xây dựng trường học, xóa nhà tạm... để vừa cải thiện đời sống, nâng cao dân trí ở những vùng đặc biệt khó khăn và cũng là thể hiện văn hóa Doanh nghiệp trong kinh doanh - phục vụ.

 

Việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức; bố trí lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Đảng, được quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở Tổng công ty. Trong gần 15 năm lại đây, Tổng công ty đã tích cực và chủ động chuyển đổi tổ chức theo hướng đa dạng hóa hình thức sở hữu và quản lý; công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ được coi trọng; do đó theo thời gian các thế hệ lãnh đạo - quản lý Tổng công ty và các đơn vị cơ sở lần lượt được thay thế, song sự chuyển giao không có sự xáo trộn, nội bộ giữ được ổn định, đoàn kết, thống nhất cao từ trên xuống dưới...

 

Giai đoạn thứ năm (2010-2015)

 

Giai đoạn này đánh dấu sự thay đổi căn bản về địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty.

 

Theo đó, ngày 25 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 982/QĐ- TTg chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

 

Tiếp đó, Ngày 25 tháng 4 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ- TTg về phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

 

 

Sau 3 năm hoạt động theo mô hình mới, để đáp ứng yêu cầu hoạt động của Tổng công ty, ngày 25 tháng 02 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2014/NĐ- CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (có hiệu lực từ ngày 15/4/2014) thay thế Quyết định số 609/QĐ- TTg ngày 24 tháng 04 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

 

Hiện nay, Tổng công ty có 28 đơn vị thành viên hạch toán độc lập đã được cổ phần hóa là các công ty con; 07 công ty liên kết và 03 Công ty liên doanh với nước ngoài (Malaysia, Singapore, Irac). Phần lớn các đơn vị thành viên của Tổng công ty có trụ sở chính tại các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Tổng công ty đã thành lập  09 chi nhánh của Tổng công ty đóng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Những kết quả tích cực trong các mặt hoạt động của Tổng công ty đã được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân biểu dương, ghi nhận. Trong chặng đường phấn đấu, trưởng thành của 20 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân của Tổng công ty đã được tặng thưởng nhiều Huân chương cao  quý của Nhà nước trao tặng.

 

Tổng công ty Lương thực miền Bắc không thỏa mãn, bằng lòng với những gì đã đạt được. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với Tổng công ty Lương thực miền Bắc trong những năm tới là hết sức nặng nề. Tiềm năng, lợi thế của Tổng công ty cần được khai thác, phát triển ở mức cao hơn. Nhận thức rõ thuận lợi, khó khăn; biết mình, biết người, với tâm huyết gắn bó của đội ngũ CBCNV - lao động đối với sự phát triển của tổ chức, chặng đường 5 năm, 10 năm, 15 năm 20 năm tới... chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi dấu về sự lớn mạnh và thành công của Tổng công ty Lương thực miền Bắc trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

 

 

 

Lượt truy cập: 4922469
Đặt làm trang chủLên đầu trang